Heyyo! Xin chào bạn

Hãy đăng ký thành viên để cùng chúng tớ sẻ chia, trao đổi, sử dụng nguồn thư viện siêu quý báu, khổng lồ và nắm bắt những vấn đề nóng nhất của ngành Thiết kế Nội thất!

Đăng ký ngay!

GIÁ TRỊ CỦA NHIẾP ẢNH NỘI THẤT KIẾN TRÚC - PHẦN 2

Hoàng Vũ

TV Cấp 2: Thanh niên Năng động
Điểm tương tác
9
Điểm tích lũy
15
GIÁ TRỊ CỦA NHIẾP ẢNH NỘI THẤT KIẾN TRÚC - PHẦN 2

Trong bài trước, mình đã có một chia sẻ ngắn về các giá trị của nhiếp ảnh thông qua một số ví dụ để chúng ta có thể hình dung qua một cách tổng quan nhất. Bài viết này sẽ đi sâu hơn vào các kỹ thuật thể hiện để chúng ta có thể lưu ý áp dụng vào thực tế.

Chỉ cần có một thiết bị có thể chụp ảnh là đã có thể bắt đầu ngay vào việc chụp rồi! Nhưng chụp cái gì và chụp thế nào là điều chúng ta cần học hỏi.

Hình dung về một đối tượng

Một đối tượng, hoặc một chủ thể mà người chụp cần hình dung có thể là một vật thể, một không gian, hoặc thậm chỉ là sự rung cảm của người chụp cảm nhận được khi tiếp cận một không gian.
Một sự hình dung có thể là rõ ràng hay không, nhưng trên thực tế, cách làm việc sẽ quyết định được rằng cái mình muốn chụp nó có đúng với cái mình đã chụp được hay là không. Một người làm việc theo cảm xúc sẽ có thói quen chụp một bức ảnh theo cách của riêng họ và rất bất chợt, miễn sao thỏa mãn, đáp ứng được sở thích của chính họ. Chính sự tự do trong tư tưởng này khiến cho họ có một xu hướng chụp vượt ra những khuôn khổ, nhưng xét cho cùng cách này cũng có sự rèn luyện và cải thiện riêng, nghiêng về tự học thông qua tự trải nghiệm rất nhiều, gu thẩm mỹ dần được nâng cao thì các bức ảnh trở nên có giá trị dần lên.
Nếu loay hoay mãi mà trong đầu chưa thực sự có một hình dung nào, cách mà bạn có thể thử ngay đó là dành ra một thời gian tìm hiểu về không gian mà bạn muốn chụp, điều này khiến các giác quan của mình được vận động cùng nhau và phân bố sự tập trung vào một điểm.
Hành động tìm hiểu về không gian nào đó, còn có mục đích là tìm ra được điểm nào ấn tượng và xoáy sâu vào đó, tìm ra linh hồn của một không gian.

Ánh sáng và góc máy!

Hãy chú ý đến các nguồn sáng mà không gian đó nhận được, có thể là từ bên trong hoặc từ môi trường ngoài vào, là ánh sáng từ các món đồ nội thất hoặc từ ánh mặt trời soi rọi vào.


Lấy một ví dụ về bộ ảnh công trình Tropical penthouse được thực hiện bởi Đỗ Sỹ, chúng ta có thể thấy được nhiếp ảnh gia đã lựa chọn nguồn sáng chính là khung cửa kính lớn, lấy làm trọng tâm của bức ảnh, ánh sáng chính từ bên ngoài qua cửa kính chiếu rọi vào không gian. Với một góc máy một điểm tụ phối cảnh, các diện sáng tối xuất hiện rõ ràng và dễ nhận thấy, cách đặt góc máy này thích hợp để thể hiện không gian rộng một cách bao quát, mục đích là để ghi lại một góc nhìn tổng thể chung.



Đây cũng là một ví dụ về nguồn ánh sáng tự nhiên làm nguồn sáng chính, góc cam được đặt một góc xoay phiến diện so với chủ thể, tạo nên cảm giác về khoảng cách phối cảnh hai điểm tụ, cách đặt cam này thường thấy trong nhiếp ảnh dành cho kiến trúc, nhưng độ tụ của nhiếp ảnh thường nhỏ và gần giống với mắt nhìn nhất vì vật thể nội thất thường nhỏ, do đó điểm tụ lớn sẽ khiến vật thể dễ bị méo mó khi chụp.
Trong ảnh này có có một yếu tố tạo nên cảm xúc đó là hoa nắng (thường hoa nắng là bóng đổ của cây lá), yếu tố này gián tiếp thể hiện sự hiện diện của những đối tượng khác trong cùng một bức ảnh, tạo nên sự gần gủi, nhẹ nhàng hơn cho không gian thêm phần sức sống.


Trong bức ảnh này, không hề có một vật thể nào cụ thể nhưng thông qua bóng đổ, ta có thể tự hình dung ta được có rèm lá sách, và một người đang cầm một bó hoa. (ảnh: pinterest)

Độ tụ ảnh

Trong vật lý, khái niệm độ tụ được biết là một đại lượng đặc trưng cho khả năng hội tụ chùm sáng của một thấu kính. Hiểu một cách đơn giản, độ tụ tương tự như khái niệm luật phối cảnh, độ tụ càng lớn, hình thể càng bị kéo dãn ra theo phối cảnh và ngược lại.
Một đối tượng thông qua một ống lens có độ tụ lớn sẽ trông bị kéo dài ra theo hướng về đường chân trời, thấy rõ điều đó khi chụp dưới góc cam từ 2 điểm tụ trở lên.



Một ví dụ về độ tụ trong nhiếp ảnh kiến trúc (ảnh: Archdaily)
Đối với nhiếp ảnh nội thất, yếu tố độ tụ ít được biến tấu so với nhiếp ảnh kiến trúc, nếu có thì đó sẽ là một không gian hẹp, lúc đó người ta bắt buộc phải sử dụng loại ống kính có độ tụ lớn mới có thể bắt trọn một không gian nhỏ. Phần lớn sự quan tâm còn lại trong nhiếp ảnh chân thực thì độ tụ được giữ ở mức tương tự như của mắt.

Tương phản

Một bức ảnh nổi bật cần sự tương phản mạnh, sự tương phản đến từ sự đối nghịch giữa các yếu tố hiện hữu trong bức ảnh (ánh sáng - bóng tối, nhiều - ít, mạnh - yếu, màu sắc..).


Một nền ảnh trắng, một tách caphe đen, đây là một ví dụ về tương phản màu sắc. (ảnh: pinterest)


Trên đây là một ví dụ về sự tương phản trong sáng tối và số lượng, lượng ánh sáng chiếu thẳng vào đối tượng ghế có phần ít hơn trong bố cục ảnh.(ảnh:tumblr)

Về kỹ thuật chụp trong ảnh trên, ánh sáng được định hướng sẵn nên chúng ta đã có một vị trí đẹp để đặt vào đó một đối tượng ( ở đây cụ thể là chiếc ghế), vị trí của ghế được đặt theo qui tắc ⅓. Ngoài ra bức ảnh còn được blur để làm nhòe đi ánh nắng, tạo dự dịu dàng nhiều hơn cho ánh nắng, kỹ thuật này thường thấy trong các phim điện ảnh cũ của Hồng Kông hay Pháp, khiến cho người xem cảm giác nhẹ nhàng hoài niệm, vô cùng lãng mạn, mà trong bức ảnh này cách blur còn góp phần làm giảm đi sự tương phản, khiến cho bức ảnh không trở nên quá nặng nề.

Lựa chọn tỉ lệ ảnh, bố cục ảnh


Tỉ lệ và bố cục ảnh có sự liên kết với nhau như mắc xích với nhau. Mỗi tỉ lệ ảnh sẽ phù hợp cho các cách chụp và đối tượng khác nhau. Một khung hình lớn sẽ thích hợp cho các khung cảnh rộng, nhằm lấy được bố cục tổng thể của không gian, trái lại các tỉ lệ khung ảnh nhỏ lại thích hợp cho việc chụp một hoặc một nhóm các đối tượng cụ thể, nhấn mạnh các chi tiết của chúng.


Cách chụp “ảnh trong ảnh” tạo nên một cảm giác người xem đang đứng trong một công trình nhìn ra ngoài.
 
Top